DetailController

NGHỀ LÀM BÚN TRUYỀN THỐNG XÃ CỔ ĐÔ

17/10/2021 18:24

LV) - Xưa cả miền Bắc có ba làng nghề bún nổi tiếng, ấy là: Phú Đô (Từ Liêm), Tứ Kỳ (Thanh Trì) và Cổ Đô (Ba Vì). Nay cả ba làng đều thuộc Hà Nội nhưng tiếc rằng làng bún Cổ Đô xưa đã không còn. Chỉ còn rất ít người dân còn làm bún gia truyền theo kiểu thủ công. Những con người hiếm hoi ấy ngày ngày gìn giữ nghề gia truyền đang có nguy cơ bị biến mất.

 

Ông Nguyễn Văn Thuyền đang nặn bột làm bún. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công bằng tay
Ông Nguyễn Văn Thuyền đang nặn bột làm bún. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công bằng tay.l

Cổ Đô là một ngôi làng nhỏ bé nằm nép mình bên dòng sông Đà cuộn sóng. Người ta chỉ biết đến Cổ Đô là làng lụa, làng thơ, làng họa sỹ, còn rất ít người biết xưa kia làng Cổ Đô còn là một trong ba làng nức tiếng ở miền Bắc về nghề làm bún.

 

Cách đây gần chục năm, nghề làm bún thủ công ở làng Cổ Đô vẫn còn. Ngày đó, nhà nào nhà nấy trong làng cũng làm bún thủ công. Bún Cổ Đô thời đó về chất lượng cũng không thua kém gì với bún Phú Đô và bún Tứ Kỳ và đều chủ yếu phục vụ cho nội thành Hà Nội. Hiện nay cả làng chỉ còn lại hai người giữ được nghề, trong đó có ông Nguyễn Văn Thuyền. 

Khi được hỏi về nghề bún của làng, ông Thuyền bồi hồi: “Ngày xưa ở làng tôi hầu như nhà nào cũng làm bún thủ công bằng tay. Giờ lũ trẻ chê nghề vất vả nên chẳng mấy nhà còn theo nghề. Có nhà nào còn làm bún thì cũng mua máy về làm cho được nhiều và nhanh, chứ không làm thủ công như nhà tôi. Nhìn làng bún mất đi và nghề gia truyền ngày càng mai một mà tôi lại thấy buồn”. Dù vậy, ông Thuyền cũng nhất quyết không chịu làm bún bằng máy vì ông quan niệm đã làm thức quà cho người dân thì phải làm ngon, mà chỉ có làm thủ công bằng tay thì bún mới ngon, ăn dai giòn và mịn hơn bún làm bằng máy. 

Làm bún thủ công bằng tay thường khá nặng nhọc và rất công phu. Kể từ khâu đầu tiên: kén gạo, cho đến khâu cuối cùng, bắt sợi bún thành con bún, tất cả phải trải qua 13 công đoạn, trong khoảng thời gian phải ít nhất là 7 ngày… Mà cái khâu tài tình nhất, ấy là làm thế nào giữ cho con bún thành phẩm không bị mau chua cũng cần có bí quyết riêng. Người Cổ Đô cam đoan con bún của làng mình, mùa hè sau một tuần, mùa đông sau nửa tháng, không có tủ lạnh bảo quản cũng không chua.

 

Sản phẩm bún làm thủ công bằng tay
Sản phẩm bún làm thủ công bằng tay.

 

“Bún mình làm thủ công bằng tay mặc dù rất vất vả, vợ chồng thức khuya dậy sớm nhưng rất tự hào khi được người dân, người làng khen ngon hơn những nhà khác làm bún bằng máy”, ông Thuyền vui vẻ cho biết. 

Tiếng lành đồn xa nên nhiều người làm tiệc vẫn thường đặt bún nhà ông Thuyền. Người dân Cổ Đô mỗi lần đi xa đều đặt bún của ông làm quà. Vì thế mà bún gia truyền ở Cổ Đô đã được nhiều vùng miền biết đến hơn. Nhưng mới chỉ có “bún ông Thuyền” thì chắc hẳn bún Cổ Đô chưa đủ sức vươn xa hơn được. 

Nghề làm bún vất vả và nặng nhọc như vậy nhưng những người yêu nghề nơi đây như ông Nguyễn Văn Thuyền vẫn quyết bám trụ lấy nghề gia truyền, truyền nghề và động viên các con cháu theo nghề cha ông. Nếu có nhiều hạt nhân tích cực như ông Thuyền thì những làng nghề truyền thống ở Việt Nam đã không “chết mòn” mà thậm chí còn “sống khoẻ” hơn. Đó thực sự là những “người giữ lửa” cho làng nghề sống mãi.

Tiến Hải